Ngày nay, hệ thống cảm biến áp suất lốp (TPMS) đã trở thành một trang bị phổ biến trên nhiều dòng xe dưới dạng tiêu chuẩn hoặc tùy chọn. Hệ thống này có các cảm biến theo dõi mức độ áp suất không khí bên trong lốp xe và cung cấp thông tin về áp suất lốp theo thời gian thực.

Anh Lê Đăng Trung, Giám đốc điều hành của trung tâm độ xe ChungAuto đang giới thiệu một bộ cảm biến áp suất lốp. Ảnh: Ngô Minh

Trao đổi với VietNamNet, anh Lê Đăng Trung, Giám đốc điều hành của trung tâm độ xe ChungAuto cho biết: "Vì nhiều lý do, hệ thống TPMS có thể đưa ra kết quả không chính xác. Đôi khi người dùng có thể khắc phục vấn đề bằng cách cài đặt lại (reset) nhưng trong một số trường hợp, thay thế là lựa chọn duy nhất".

Cảm biến là một thiết bị điện tử nên nó có thể bị hỏng vì nhiều lý do như tuổi thọ, nhiệt độ, bụi bẩn và nguồn điện không đều. Vì thế, trong quá trình sử dụng, người dùng có thể gặp một số triệu chứng lỗi cảm biến áp suất lốp.

Anh Trung chia sẻ một số trường lỗi cảm biến áp suất lốp thường gặp như sau:

- Đọc sai: Một trong những dấu hiệu của cảm biến áp suất bị lỗi là số đọc áp suất không chính xác. Cảm biến có thể cung cấp con số cao hơn hoặc thấp hơn đáng kể so với áp suất lốp thực tế.

Điều này có thể được quan sát thông qua màn hình hiển thị của hệ thống cảm biến áp suất lốp (TPMS) trên bảng đồng hồ hoặc bằng màn hình đo áp suất lốp riêng biệt nếu là phụ kiện lắp thêm.

Bộ cảnh báo áp suất lốp có thể hiển thị trên bảng đồng hồ trung tâm hoặc bộ hiển thị gắn ngoài. Ảnh: Ngô Minh

- Hiển thị không nhất quán: Cảm biến áp suất bị trục trặc có thể gây ra hoạt động bất thường trong hệ thống TPMS. Ví dụ như các chỉ số có thể dao động thường xuyên hoặc hiển thị các giá trị khác nhau mỗi khi khởi động xe hoặc trong khi lái xe.

- Đèn cảnh báo trên táp-lô: Cảm biến áp suất bị trục trặc có thể kích hoạt đèn cảnh báo TPMS trên bảng điều khiển. Đèn cảnh báo có thể xuất hiện dưới dạng biểu tượng giống như lốp xe có dấu chấm than hoặc chữ cái "TPMS". Đèn này thường biểu thị lỗi trong hệ thống giám sát áp suất lốp.

- Cảnh báo sai: Bảng đồng hồ của ô tô liên tục hiển thị cảnh báo áp suất lốp thấp nhưng lốp vẫn ở tình trạng bình thường. Ngoài ra, khi áp suất lốp và nhiệt độ lốp thay đổi thì các thông số hiển thị trên màn hình vẫn không thay đổi.

Cách khắc phục lỗi cảm biến áp suất lốp

Anh Lê Đăng Trung cho hay các nhà sản xuất ô tô đều có dán một nhãn ghi thông số lốp tiêu chuẩn phù hợp cho từng mẫu xe. Thông thường, chúng được đặt ở bên hông cửa trước hoặc nắp bình xăng. Ngoài ra, người dùng cũng có thể tìm thấy thông tin về áp suất lốp trong sách hướng dẫn sử dụng xe.

Nhãn ghi chú thông số áp suất lốp khuyến cáo của nhà sản xuất. Ảnh: Toyota Vĩnh Phúc

Kiểm tra áp suất lốp bằng tay

Tiếp đó, người dùng sử dụng thiết bị đo áp suất lốp cầm tay để kiểm tra lốp xe xem chúng có đúng với mức áp suất không khí khuyến cáo của nhà sản xuất hay không.

Sử dụng bộ thiết bộ đo áp suất lốp cầm tay để kiểm tra tình trạng lốp. Ảnh: Ngô Minh

Trong trường hợp lốp quá căng, hãy xả bớt không khí cho đến khi nó giảm xuống mức chính xác và bơm thêm không khí nếu lốp xe bị non hơi. Nên bơm thêm một chút không khí so với áp suất ghi trên nhãn nếu lốp xe đang ấm vì lúc lốp nguội sẽ làm giảm áp suất.

Tiếp theo, hãy thiết lập lại hệ thống TPMS trên ô tô. Một số xe sẵn nút Reset nhưng có xe lại cần vào sâu trong hệ thống điều khiển để làm việc này, vì vậy người dùng nên đọc kỹ hướng dẫn sử dụng để biết cách xử lý.

Một số dòng xe có nút Reset hệ thống cảnh báo áp suất lốp. Ảnh: Tuning

Sau khi đã thiết lập lại hệ thống TPMS, người dùng cần phải lái xe trong ít nhất 15 phút để đèn cảnh báo tắt hoặc các thông số áp suất lốp hiển thị trở lại bình thường.

Kiểm tra cảm biến áp suất lốp

Kiểm tra trực quan các cảm biến áp suất lốp xem có bất kỳ hư hỏng rõ ràng nào không, chẳng hạn như tác động vật lý, ăn mòn hoặc lỏng kết nối. Đảm bảo rằng các cảm biến được gắn chắc chắn trên thân van của lốp xe.

Tuy nhiên, để kiểm tra cảm biến bên trong lốp xe thường cần tới sự hỗ trợ của các kỹ thuật viên chuyên nghiệp chẩn đoán bằng các thiết bị chuyên dụng, cũng như để đảm bảo lắp đặt và hiệu chỉnh thích hợp trong trường hợp phải thay mới.

Thay pin cảm biến

Thông thường, tuổi thọ trung bình của pin cảm biến sẽ kéo dài từ 2 đến 6 năm tùy thuộc vào vị trí của van cảm biến. Sau khoảng thời gian này, nếu van cảm biến không truyền dữ liệu về bảng đồng hồ ô tô hoặc bộ hiển thị cảm biến áp suất lốp riêng biệt thì có thể van cảm biến đã hết pin.

Pin của van cảm biến thường có tuổi thọ từ 2-6 năm. Ảnh: ArtsAutomotive

Khi van cảm biến hết pin, màn hình hiển thị sẽ xuất hiện chữ “L0” tại vị trí hiển thị thông số tương ứng với vị trí của van đó. Dấu hiệu cho thấy cảm biến áp suất lốp hết pin là một hoặc nhiều cảm biến không gửi tín hiệu về bộ điều khiển. Vì vậy, trong trường hợp này, người dùng sẽ buộc phải tháo van cảm biến để thay pin mới.

Chi phí thay thế cảm biến áp suất lốp

Trong trường hợp thiết lập lại hệ thống TPMS mà vẫn bị thì chắc chắn bộ cảm biến đã bị hỏng. Khi đó, người dùng sẽ phải đưa xe đến hãng, trung tâm lốp hoặc cửa hàng chuyên về sản phẩm cảm biến áp suất để tiến hành thay cảm biến mới.

Van cảm biến lắp trong lốp xe cần được lắp đặt bởi thợ lốp chuyên nghiệp. Ảnh: Ngô Minh

Theo anh Trung, giá của một van cảm biến lắp nguyên bản theo xe có thể dao động từ 3-5 triệu đồng. Trong khi, với các bộ cảm biến áp suất lốp từ bên thứ 3, chi phí thay thế van cảm biến sẽ dao động từ 400.000-500.000 đồng, tùy vào từng thương hiệu.

Để thay thế van cảm biến, người dùng cũng cần nắm rõ thương hiệu cảm biến áp suất lốp mà xe của mình đang lắp nếu như lắp thêm, điều này sẽ giúp cho các đơn vị sửa chữa nhanh chóng tìm được thiết bị phù hợp và chính xác với hệ thống cảm biến áp suất lốp đang có.